Hoạt động Thẩm định giá tại trường Đại học Tài chính – Marketing

Sự chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 1986 đã đẩy nhu cầu xác định giá thị trường thực của tài sản xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng trên nhiều lĩnh vực kinh tế ở nước ta như: Xác định giá trị mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách Nhà nước, xác định giá trị tài sản để góp vốn, thế chấp, tính thuế, mua sắm, chuyển nhượng; cổ phần hóa, sát nhập, giải thể, phá sản doanh nghiệp…

Nhận thức vai trò quan trọng của các hoạt động liên quan đến giá trị và giá cả của hàng hóa-tài sản trong nền kinh tế, trường Đại học Tài chính–Marketing thành lập khoa Thẩm định giá (nay là Khoa Thẩm định giá–Kinh doanh bất động sản) vào năm 1999 với chức năng đào tạo cử nhân chuyên ngành thẩm định giá nhằm cung ứng nguồn nhân lực về giá cho nền kinh tế đã thiếu hụt trong một thời gian dài từ sau năm 1986.

Năm 2000, trường Đại học Tài chính–Marketing là nơi đào tạo cử nhân chuyên ngành thẩm định giá đầu tiên trong cả nước, là đơn vị tiên phong đi đầu và đánh dấu một bước ngoặt mới cho việc đào tạo một ngành nghề rất quan trọng và không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường, đó là “Thẩm định giá”. Như vậy, sau 13 năm (1986-1999), tên gọi thẩm định giá đã được xác lập bởi trường Đại học Tài chính–Marketing, ghi nhận một nghề nghiệp vốn dĩ vẫn tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường.

Đến năm 2002, khái niệm thẩm định giá được nêu tại điểm 2, điều 4, Pháp lệnh giá số 40/2002/PL-UBTVQH10 ngày 26/4/2002: “Thẩm định giá là việc đánh giá hoặc đánh giá lại giá trị của tài sản phù hợp với thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định theo tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc thông lệ quốc tế”. Pháp lệnh giá có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2002, cũng từ đó tên gọi “Thẩm định giá” được chính thức ghi nhận sau 16 năm (1986-2002), như vậy hành trình tìm kiếm tên tuổi của một ngành nghề không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường đã được công nhận về pháp lý tại Pháp lệnh giá.

Khoa Thẩm định giá-Kinh doanh bất động sản được thành lập vào năm 1999 có chức năng đào tạo chuyên ngành Thẩm định giá đầu tiên trong cả nước với khóa đào tạo bậc cao đẳng vào năm 2000 và bậc đại học vào năm 2004, Khoa tiếp tục được nhà trường giao nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành Kinh doanh bất động sản bậc cao đẳng và đại học vào năm 2006. Ngoài nhiệm vụ đào tạo sinh viên hệ chính quy, Khoa còn được nhà trường giao nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành thẩm định giá các hệ như văn bằng 2, tại chức, liên thông đại học. Bên cạnh đó, được sự chấp thuận của Bộ Tài chính, nhà trường giao cho Khoa đào tạo, bồi dưỡng các khóa ngắn hạn về nghiệp vụ thẩm định giá để đủ điều kiện tham dự kỳ thi thẻ thẩm định viên về giá do Bộ Tài chính tổ chức hàng năm.

Từ khi thành lập đến nay, Khoa đã đào tạo được gần 2.000 cử nhân chuyên ngành thẩm định giá các hệ, đào tạo bồi dưỡng cho hơn 1.200 học viên có đủ điều kiện tham dự kỳ thi thẻ, cung cấp đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho các cơ quan quản lý nhà nước (Cục quản lý giá- Bộ Tài chính, Ban Vật giá- Sở Tài chính, Phòng Kinh tế đất – Sở Tài nguyên Môi trường); các công ty Thẩm định giá nước ngoài tại Việt Nam (Jones Lang LaSalle Việt Nam, Savills Việt Nam, Colliers Việt Nam, CBRE Việt Nam,…), các công ty Thẩm định giá trong nước, Ngân hàng (Phòng/Ban Thẩm định giá; AMC; Khối quản trị rủi ro; Khối đầu tư) và các đơn vị liên quan (công ty kiểm toán, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư).

Thành quả trên đã cho thấy, nguồn nhân lực thẩm định giá do trường Đại học Tài chính–Marketing đào tạo đã được thị trường đón nhận và được các nhà tuyển đánh giá cao về kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng tác nghiệp.

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Thị Mười. (2018). Ngành nghề thẩm định giá – hành trình tìm kiếm tên tuổi và khẳng định vị thế trên thị trường. Hội Thảo Ngành nghề Thẩm định giá – Vấn đề đào tạo và nhu cầu xã hội.

Thẩm định giá – Nghề trong nền kinh tế thị trường

Thẩm định giá là một nghề trong nền kinh tế thị trường! Đây là một nhận định hoàn toàn đúng đắn, được rút ra từ lý luận cũng như qua thực tiễn.

Nhân loại đang sống trong điều kiện “nguồn lực có giới hạn”. Kinh tế thị trường luôn hướng tới việc sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực sẵn có. Chính điều này đã thúc đẩy sự phân công lao động trong nền sản xuất hàng hoá, đồng thời cũng là tác nhân lớn làm cho phân công lao động ngày càng sâu sắc hơn, và một trong những kết quả nổi bật của quá trình này là sự xuất hiện hàng loạt nghề nghiệp mới, trong đó có nghề thẩm định giá.

Chúng ta thường quan niệm rằng: một công việc trở thành một nghề nghiệp khi đáp ứng được các điều kiện sau: thứ nhất, công việc đó được mọi người cần, nhưng mọi người lại không thể tự làm được hoặc nếu có làm được thì cũng không hiệu quả hoặc không có đủ thời gian để làm và người ta sẵn sàng trả tiền cho những ai có thể làm tốt công việc đó;

Thứ hai, công việc đó đòi hỏi tính chuyên môn cao, không có chuyên môn thì không thể làm tốt được và người ta chỉ trả tiền cho những người đã được xã hội thừa nhận là có năng lực về mặt chuyên môn (có phương pháp, bí quyết hoàn thành công việc một cách nhanh nhất và tốt nhất)– năng lực chuyên môn là cơ sở của việc hình thành tính chuyên nghiệp;

Thứ ba, có sự xuất hiện các quy định mang tính chuẩn mực của nghề nghiệp đó … Ở Việt Nam, chúng ta thấy, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường thì nhu cầu về thẩm định giá (mua bán, cầm cố, thế chấp, đầu tư, bảo hiểm, tính thuế…) cũng ngày một tăng theo. Bên cạnh đó, chính sự phức tạp trong đối tượng thẩm định giá, cũng như giá trị rất lớn của các tài sản thẩm định giá đã làm cho hoạt động thẩm định giá trở lên hết sức khó khăn, muốn làm tốt cần phải được đào tạo bài bản.

Thêm vào đó, để đảm bảo sự phát triển của ngành nghề, đảm bảo uy tín hoạt động, cũng như đảm bảo sự thống nhất tương đối trong hoạt động thẩm định giá… đã làm xuất hiện hệ thống quy định mang tính chuẩn mực của nghề nghiệp, như: tầm cỡ quốc tế có Hệ thống tiêu chuẩn Thẩm định giá quốc tế, các tổ chức thẩm định giá khu vực có Tiêu chuẩn thẩm định giá các nước ASEAN, ở Việt Nam cũng đã ban hành Hệ thống Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam...

Hình 1: Qúa trình phát triển nghề Thẩm định giá tại Việt Nam

Kể từ khi tên gọi “Thẩm định giá” chính thức được công nhận tại Pháp lệnh giá vào năm 2002 đã mở ra một chặng đường mới cho nghề nghiệp thẩm định giá phát triển trong nền kinh tế thị trường. Hành lang pháp lý cho hoạt động thẩm định giá được xây dựng với các nghị định, thông tư, tiêu chuẩn thẩm định giá; kỳ thi thẩm định viên về giá được tổ chức đầu tiên vào năm 2005, từ đó số lượng thẩm định viên ngày càng tăng thông qua các kỳ thi thẩm định viên về giá được Bộ Tài chính tổ chức hàng năm và số lượng công ty thẩm định giá cũng ngày càng tăng. Hội Thẩm định giá Việt Nam được thành lập vào năm 2005, Việt Nam là thành viên của Hiệp hội Thẩm định giá các nước Đông Nam Á (Asean Valuers Association) và Hiệp hội Thẩm định giá Quốc tế cho thấy xu hướng hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế trong lĩnh vực nghề nghiệp ngày càng sâu rộng.

Sự phát triển của nghề nghiệp thẩm định giá được khẳng định rõ nét hơn với sự ra đời của Luật giá năm 2012, đánh dấu sự trưởng thành sau 10 năm kể từ khi Pháp lệnh giá năm 2002 được ban hành. Sự ra đời của Luật giá đã nâng nghề nghiệp Thẩm định giá lên một tầm cao mới với cánh cửa rộng mở cho hàng loạt các quy định pháp lý ban hành tạo điều kiện cho hoạt động thẩm định giá phát triển. Với những thành tựu đạt được đã đánh dấu sự thành công của nghề nghiệp thẩm định giá trong chặng đường phát triển 32 năm tính từ năm 1986 đến nay.

Tài liệu tham khảo:

  1. Hội Thẩm định giá Việt Nam. Hội Thẩm định giá Việt Nam quá trình hình thành và phát triển. Retrieved from http://www.vva.org.vn/NewsDetail.aspx?Id=234
  2. Nguyễn Văn Bình. (2018). Cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển nghề thẩm định giá ở Việt Nam hiện nay. Hội Thảo Ngành nghề Thẩm định giá – Vấn đề đào tạo và nhu cầu xã hội.

Tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ Tài chính – Ngân hàng (Định hướng Thẩm định giá)

Tóm tắt thông báo:

Phương thức tuyển sinh: Thi tuyển các môn: Toán Kinh tế, Kinh tế học, Anh văn

Ghi chú: Miễn thi Anh văn đối với thí sinh có chứng chỉ Anh văn tương đương trình độ B1. Liên hệ  Trung tâm Ngoại ngữ – Tin học (UFM) để biết thêm chi tiết về thi B1.

Thời hạn nộp hồ sơ: 15/6/2019

 

Bí quyết kiếm 4 tỷ đồng một năm của môi giới bất động sản

Tròn một thập niên làm môi giới địa ốc, Nguyễn Thị Thảo đã tăng trưởng thu nhập đầy ấn tượng từ một tỷ lên 4 tỷ đồng trong 24 tháng qua và tiếp tục đặt mục tiêu đầy tham vọng kiếm 12 tỷ đồng cho năm Bính Thân.

Sinh năm 1983, học ngành kế toán kiểm toán, đầu quân về một công ty địa ốc ở vị trí kế toán nhưng Thảo đã chọn một ngã rẽ khiến nhiều người bất ngờ. Năm 2006, thị trường bất động sản nóng sốt, để ý thấy nhân viên sale thu nhập khủng, thấp thì vài chục triệu, cao lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, cô quyết định chuyển nghề thử vận. Nàng cử nhân 8x theo nghiệp môi giới từ đó với chiến lược thị trường tốt tập trung bán nhà đất, lúc khủng hoảng đẩy mạnh cho thuê. Trụ lại công ty cũ được 8 năm, cô quyết định đổi môi trường mới để chinh phục thách thức lớn hơn.

Tháng 4/2014 Thảo gia nhập một công ty địa ốc có trụ sở tại quận 7 với quy mô khoảng 3.000 quân để tìm kiếm cơ hội. Sở dĩ cô chọn doanh nghiệp này vì công ty có “rổ hàng” dồi dào, môi trường làm việc thoải mái, hoa hồng cao hơn mặt bằng chung toàn thị trường và quy tụ được nhiều nhân viên sale có tham vọng lớn.

Ngay trong năm 2014 chuyển sang công ty mới, cô có thu nhập hơn một tỷ đồng sau 8 tháng làm việc với 30 giao dịch thành công (cho thuê, bán bất động sản các loại). Đây chính là thời điểm bất động sản bước vào giai đoạn đầu của chu kỳ hồi phục, thanh khoản toàn thị trường vọt lên khá cao và số lượng dự án chào bán cũng tăng mạnh mẽ so với năm 2013.

Đến năm 2015, Thảo tự đặt cho mình những mục tiêu cao hơn khi thị trường địa ốc tiếp đà khởi sắc. Cô chủ động nghiên cứu kỹ không chỉ sản phẩm căn hộ trung – cao cấp mà còn mở rộng thêm phân khúc biệt thự hạng sang ven sông Sài Gòn trị giá 50 tỷ đồng đến cả trăm tỷ đồng một căn, biệt thự biển, bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang.

Trong năm Ất Mùi, địa ốc hồi phục mạnh mẽ với sức mua tăng kỷ lục, cô có giao dịch tăng 40% về lượng so với năm trước nhưng về chất thì vọt lên gấp nhiều lần. Bên cạnh nhiều trường hợp môi giới thành công căn hộ cao cấp, cô còn bán được 4 sản phẩm biệt thự biển trị giá 23-28 tỷ đồng một căn. Kết quả này giúp Thảo khép lại năm 2015 với mức thu nhập gần 4 tỷ đồng. Cô tiếp tục đặt mục tiêu năm 2016 sẽ kiếm gấp 3 lần so với năm trước.

bi-quyet-kiem-4-ty-dong-mot-nam-cua-moi-gioi-bat-dong-san

Thảo có một thập niên theo nghề môi giới bất động sản, trải qua nhiều thăng trầm của thị trường này và bắt đầu gặt hái thu nhập bạc tỷ kể từ năm 2014 trở đi. 

Chia sẻ với VnExpress về bí quyết nuôi dưỡng tham vọng và duy trì niềm say mê với nghề đầy khắc nghiệt này trong 10 năm qua, nữ nhân viên môi giới địa ốc 8x duy trì ba nguyên tắc vàng. Một là tiếp cận khách hàng để tư vấn bằng tất cả sự chân thành, đặt khách hàng ở vị trí trung tâm để phục vụ tốt nhất. Môi giới phải chọn những sản phẩm có lợi nhất, phù hợp với nhu cầu của khách hàng đồng thời giải đáp được mọi thắc mắc và cung cấp đầy đủ thông tin, không từ chối những yêu cầu chính đáng nào, dù là chi tiết nhỏ nhất. 

Hai là sau khi tư vấn, cần phải để cho khách hàng tự quyết định, tự cân nhắc suất đầu tư mua bán chứ không ép, không hối thúc họ chốt giao dịch. Điều này có nghĩa là một giao dịch thành công phải xuất phát từ nhu cầu thật sự và lợi ích thực tế của khách hàng chứ không sử dụng các tiểu xảo để lôi kéo.

Ba là nỗ lực đến phút cuối cùng, ngay cả khi giao dịch vuột khỏi tầm tay cũng đừng để tinh thần lao dốc quá lâu. Cần nhanh chóng trở lại đường đua để tiếp tục theo đuổi khách hàng mới và không quên chăm sóc khách hàng cũ. Hãy phục vụ vô điều kiện vì khi đạt được độ tin cậy cao, nếu khách này không mua, có thể họ sẽ giới thiệu những khách khác cho bạn.

Thảo tiết lộ, một ngày làm việc của cô bắt đầu lúc 8h sáng với việc đọc báo tại công ty. Các tin tức, bài phân tích về những kênh đầu tư liên quan: địa ốc, chứng khoán, vàng, ngoại tệ, lãi suất, cơ hội đầu tư… đều được cô tham khảo vào đầu ngày. Sau thời gian đọc báo là sàng lọc sản phẩm xem rổ hàng hóa đang có những tài sản gì đang cần bán, cần mua, cần cho thuê. Nắm càng rõ chu kỳ vận hành của rổ hàng hóa cũng như những ưu – khuyết điểm của sản phẩm sẽ giúp tăng độ tự tin khi giới thiệu thông tin cho mọi người xung quanh.

Tương ứng với rổ hàng hóa là phân loại khách hàng. Thảo dành hẳn một file riêng ghi chú dữ liệu chi tiết của khách hàng thân thiết, tiềm năng hay mới làm quen và kèm theo sở thích đầu tư, số lượng bất động sản khách hàng này đang nắm giữ. Cô cập nhật thông tin vào file này liên tục để tiện chăm sóc, tư vấn khách hàng. Sự am hiểu cặn kẽ về người tiêu dùng là một trong những chìa khóa để tiếp cận họ hiệu quả hơn.

Công việc tiếp theo trong ngày là gọi điện. Nếu những môi giới khác thường gọi 100 đến vài trăm cuộc gọi một ngày, Thảo chỉ gọi không quá 30 khách. Dựa trên dữ liệu chi tiết, cô tự lập trình cho mình những bài nói chuyện giản dị, gần gũi, có mục tiêu rõ ràng. Khó nhất trong khâu gọi điện thoại là làm cho khách hàng biết hoặc nhớ ra mình là ai. Môi giới càng chân thành thì cơ hội hẹn gặp hoặc mời khách hàng dự sự kiện mở bán càng cao.

Sau khi gọi điện là thời gian dành cho những cuộc hẹn bên ngoài. Môi giới không thể ngồi một chỗ chờ khách hàng chạy đến mà phải di chuyển khắp nơi. Các công việc: dẫn khách đi xem sản phẩm, hỗ trợ hồ sơ pháp lý, soạn sẵn hợp đồng cho khách thậm chí giao tận tay các hóa đơn, biểu mẫu còn thiếu… đều phải được thực hiện thuần thục, chuyên nghiệp. Hôm nào công ty có chương trình giảng dạy và huấn luyện về sản phẩm mới, cô cũng dành thời gian theo học. Những ngày mở bán dự án, môi giới phải làm việc suốt tuần không có ngày nghỉ, thời gian làm việc có thể kéo dài từ sáng đến chiều tối, gần như không thể chăm sóc gia đình. “Nếu chồng con không thông cảm, rất khó để theo đuổi nghề này”, cô tâm sự.

Thảo trải lòng, đằng sau ánh hào quang được hoa hồng khủng, nghề môi giới địa ốc có những mất mát ít ai nhìn thấy như góc khuất sau bức màn sân khấu. Đó là áp lực kinh hoàng khi bán không được hàng đồng nghĩa với thu nhập bằng không, phải luôn tìm kiếm nguồn khách mới để duy trì công việc. Môi giới phải hy sinh thời gian và công sức vô điều kiện cho đến khi nào về đích và phải ngậm bồ hòn làm ngọt những lần bị khách hắt hủi hoặc hiểu nhầm.

Mức thu nhập lên tới 4 tỷ đồng của Thảo không phải là trường hợp duy nhất trong lĩnh vực môi giới bất động sản năm qua. Một doanh nghiệp bất động sản tại TP HCM tổng kết 12 tháng qua có 150 nhân viên môi giới xuất sắc của toàn hệ thống đạt mức thu nhập 3-6 tỷ đồng mỗi người một năm, cao nhất kể từ khi doanh nghiệp được thành lập.

Trong khi đó, một công ty có trụ sở tại phường Cầu Kho, quận 1, TP HCM tiết lộ, năm 2015 doanh số cao hơn 200% so với năm ngoái, thu nhập của nhân viên kinh doanh kỳ cựu cũng tăng 50%. Cá biệt một nhân viên chưa từng làm bất động sản, mới vào công ty hơn 6 tháng tổng thu nhập đã đạt hơn 700 triệu đồng nhờ bán được nhiều nhà cao cấp. Nếu tính thu nhập cả năm của nhân viên xuất sắc nhất doanh nghiệp này cũng tròm trèm bạc tỷ.

Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, Trần Khánh Quang đánh giá, thị trường địa ốc năm 2015 đã thật sự bước vào giai đoạn bùng nổ giao dịch, tăng gấp đôi thậm chí gấp ba năm 2014. Nguồn cung chuyển dịch mạnh mẽ sang phân khúc nhà cao cấp, hạng sang nên bán được hàng thì thu nhập của nhân viên viên môi giới đạt mức “khủng” là hoàn toàn hợp lý.

Ông Quang phân tích, thông thường một nhân viên môi giới giỏi, mỗi tháng có thể chốt 3-5 căn nhà tầm 2-3 tỷ đồng trở lên. Mức hoa hồng tương ứng khoảng 60-100  triệu đồng một tháng, hàng năm thu nhập từ 600 triệu đồng đến một tỷ đồng là bình thường. Những nhân viên kinh doanh dẫn đầu doanh số của hệ thống có thể thu nhập cao hơn nhờ những khoản treo thưởng khủng. Số người vươn tới ngưỡng top sale chỉ chiếm tối đa khoảng 5% nhân sự toàn hệ thống.

Vũ Lê

Nguồn: https://vnexpress.net/kinh-doanh/bi-quyet-kiem-4-ty-dong-mot-nam-cua-moi-gioi-bat-dong-san-3355223.html

Trường Đại học Tài chính – Marketing tổ chức tuyển sinh đào tạo bậc đại học ngành Bất động sản với thông tin xét tuyển như sau:

Phương thức xét tuyển chung của Trường Đại học Tài chính – Marketing

Chỉ tiêu tuyển sinh cho ngành Bất động sản: 200

Địa chỉ liên hệ:

Trường Đại học Tài chính – Marketing

Khoa Thẩm định giá – Kinh doanh Bất động sản

Phòng B.301, 2/4 Trần Xuân Soạn, P. Tân Thuận Tây, Q.7, TP. HCM

Hotline tư vấn tuyển sinh: 028. 37720406