Thẩm định giá – Nghề trong nền kinh tế thị trường

Thẩm định giá là một nghề trong nền kinh tế thị trường! Đây là một nhận định hoàn toàn đúng đắn, được rút ra từ lý luận cũng như qua thực tiễn.

Nhân loại đang sống trong điều kiện “nguồn lực có giới hạn”. Kinh tế thị trường luôn hướng tới việc sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực sẵn có. Chính điều này đã thúc đẩy sự phân công lao động trong nền sản xuất hàng hoá, đồng thời cũng là tác nhân lớn làm cho phân công lao động ngày càng sâu sắc hơn, và một trong những kết quả nổi bật của quá trình này là sự xuất hiện hàng loạt nghề nghiệp mới, trong đó có nghề thẩm định giá.

Chúng ta thường quan niệm rằng: một công việc trở thành một nghề nghiệp khi đáp ứng được các điều kiện sau: thứ nhất, công việc đó được mọi người cần, nhưng mọi người lại không thể tự làm được hoặc nếu có làm được thì cũng không hiệu quả hoặc không có đủ thời gian để làm và người ta sẵn sàng trả tiền cho những ai có thể làm tốt công việc đó;

Thứ hai, công việc đó đòi hỏi tính chuyên môn cao, không có chuyên môn thì không thể làm tốt được và người ta chỉ trả tiền cho những người đã được xã hội thừa nhận là có năng lực về mặt chuyên môn (có phương pháp, bí quyết hoàn thành công việc một cách nhanh nhất và tốt nhất)– năng lực chuyên môn là cơ sở của việc hình thành tính chuyên nghiệp;

Thứ ba, có sự xuất hiện các quy định mang tính chuẩn mực của nghề nghiệp đó … Ở Việt Nam, chúng ta thấy, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường thì nhu cầu về thẩm định giá (mua bán, cầm cố, thế chấp, đầu tư, bảo hiểm, tính thuế…) cũng ngày một tăng theo. Bên cạnh đó, chính sự phức tạp trong đối tượng thẩm định giá, cũng như giá trị rất lớn của các tài sản thẩm định giá đã làm cho hoạt động thẩm định giá trở lên hết sức khó khăn, muốn làm tốt cần phải được đào tạo bài bản.

Thêm vào đó, để đảm bảo sự phát triển của ngành nghề, đảm bảo uy tín hoạt động, cũng như đảm bảo sự thống nhất tương đối trong hoạt động thẩm định giá… đã làm xuất hiện hệ thống quy định mang tính chuẩn mực của nghề nghiệp, như: tầm cỡ quốc tế có Hệ thống tiêu chuẩn Thẩm định giá quốc tế, các tổ chức thẩm định giá khu vực có Tiêu chuẩn thẩm định giá các nước ASEAN, ở Việt Nam cũng đã ban hành Hệ thống Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam...

Hình 1: Qúa trình phát triển nghề Thẩm định giá tại Việt Nam

Kể từ khi tên gọi “Thẩm định giá” chính thức được công nhận tại Pháp lệnh giá vào năm 2002 đã mở ra một chặng đường mới cho nghề nghiệp thẩm định giá phát triển trong nền kinh tế thị trường. Hành lang pháp lý cho hoạt động thẩm định giá được xây dựng với các nghị định, thông tư, tiêu chuẩn thẩm định giá; kỳ thi thẩm định viên về giá được tổ chức đầu tiên vào năm 2005, từ đó số lượng thẩm định viên ngày càng tăng thông qua các kỳ thi thẩm định viên về giá được Bộ Tài chính tổ chức hàng năm và số lượng công ty thẩm định giá cũng ngày càng tăng. Hội Thẩm định giá Việt Nam được thành lập vào năm 2005, Việt Nam là thành viên của Hiệp hội Thẩm định giá các nước Đông Nam Á (Asean Valuers Association) và Hiệp hội Thẩm định giá Quốc tế cho thấy xu hướng hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế trong lĩnh vực nghề nghiệp ngày càng sâu rộng.

Sự phát triển của nghề nghiệp thẩm định giá được khẳng định rõ nét hơn với sự ra đời của Luật giá năm 2012, đánh dấu sự trưởng thành sau 10 năm kể từ khi Pháp lệnh giá năm 2002 được ban hành. Sự ra đời của Luật giá đã nâng nghề nghiệp Thẩm định giá lên một tầm cao mới với cánh cửa rộng mở cho hàng loạt các quy định pháp lý ban hành tạo điều kiện cho hoạt động thẩm định giá phát triển. Với những thành tựu đạt được đã đánh dấu sự thành công của nghề nghiệp thẩm định giá trong chặng đường phát triển 32 năm tính từ năm 1986 đến nay.

Tài liệu tham khảo:

  1. Hội Thẩm định giá Việt Nam. Hội Thẩm định giá Việt Nam quá trình hình thành và phát triển. Retrieved from http://www.vva.org.vn/NewsDetail.aspx?Id=234
  2. Nguyễn Văn Bình. (2018). Cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển nghề thẩm định giá ở Việt Nam hiện nay. Hội Thảo Ngành nghề Thẩm định giá – Vấn đề đào tạo và nhu cầu xã hội.